Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước: Hành trình Ánh sáng

  • 11/06/2019
  • 356
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

108 năm trước (ngày 5/6/1911), người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành, với tên gọi Văn Ba, từ bến cảng Sài Gòn, khởi đầu một cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Đó là hành trình cách mạng vĩ đại, Hành trình Hồ Chí Minh: Hành trình Ánh sáng - Hành trình Tương lai.

Như một định mệnh lịch sử, vào những năm đầu thế kỷ 20, thời điểm khủng hoảng nhất của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam, xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Nhân vật đó làm một cuộc hành trình tìm đến những tư tưởng cách mạng tiến bộ nhất của thời đại, dẫn dắt dân tộc đến cuộc cách mạng “đem sức ta giải phóng cho ta”, xây nên một thời đại rạng rỡ trong lịch sử dân tộc.

hanh trinh ho chi minh ra di tim duong cuu nuoc hanh trinh anh sang  hinh 1

Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn ngày 5/6/1911. (Ảnh tư liệu)

Cuộc hành trình kéo dài suốt 30 năm, qua hai đại dương, bốn châu lục, từ Á, Âu, Phi đến Mỹ la tinh, trong một không gian rộng lớn đa sắc màu; trong một thời gian dài rộng đầy biến cố lịch sử.

Cuộc hành trình của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và lãnh tụ Hồ Chí Minh là cuộc hành trình vượt lên chính mình, đi về Ánh sáng, hướng tới Tương lai, phát hiện Chân lý, liên tục tiếp nhận, đổi mới, hoàn thiện.

Từ  ý chí của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sáng lên tầm nhìn Nguyễn Ái Quốc. Từ những hoạt động cách mạng không mệt mỏi của người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã lung linh trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh.

Người làm cuộc hành trình không để tạo ra những kỷ lục, nhưng cái đích của cuộc hành trình dài lâu mà Người hướng tới và đã đạt được, còn hơn cả một kỷ lục. Ánh sáng từ chủ nghĩa Mác - Lê nin mà Người tiếp nhận không chỉ lan tỏa và thành nguồn năng lượng mạnh thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở Việt Nam, mà có sức lan tỏa tới các quốc gia Á, Phi, Mỹ la tinh, đặc biệt đối với những quốc gia bị thực dân đế quốc xâm lược, thống trị.

Hành trình của Người cũng không vì sự nổi tiếng, nhưng những gian truân, thử thách, trải nghiệm mà Người gặp phải trên bước đường bôn ba đi tìm chân lý, khiến nhân loại cảm phục và ngưỡng mộ. Quá trình Người đi tìm Ánh sáng, cũng chính là quá trình Người phát hiện ra dân tộc mình, trong tương lai, ở tầm cao và chiều sâu, đó là bình đẳng với mọi dân tộc, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Cuộc hành trình của Người là từ dân tộc, hướng ra biển lớn, hội nhập thế giới, đến với ánh sáng nhân loại, những điểm hẹn lịch sử, tiếp thu tinh hoa văn minh trí tuệ loài người, lại trở về, sáng danh, rạng rỡ dân tộc.

Người tiếp nối tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc của Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và lớp lớp bậc tiền bối,nhưng Người không đi theo con đường mà các vị tiền bối đã đi. Người đi khắp Á, Âu, Phi, Mỹ la tinh, đến “những đất tự do, những trời nô lệ”… Người đến nước Pháp và các nước châu Âu, trung tâm của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc lúc bấy giờ để nhận chân “con bạch tuộc” chủ nghĩa thực dân…

Người tiếp thu tinh thần các cuộc cách mạng tư sản Pháp, tư sản Mỹ để thêm niềm tin hướng tới cuộc cách mạng vô sản. Người sống cuộc sống cần lao và tham gia các tổ chức, phong trào cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Người đến với Lê-nin và chủ nghĩa Mác vì nhận ra học thuyết chủ nghĩa cộng sản khoa học này soi đường cho các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, trong đó có dân tộc Việt Nam tự vùng lên giải phóng. Người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê nin để từ đó tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở một đất nước nông nghiệp, thuộc địa, nửa phong kiến ở châu Á.

Từ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, đến người cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất là một quá trình nhận thức, hành động bản lĩnh, trí tuệ, và sáng tạo. Ba mươi năm bôn ba biển Á trời Âu, nhập vào dòng chảy cách mạng thế giới, có thể ví đó là giai đoạn tích lũy năng lượng, nguồn sáng trí tuệ của Lãnh tụ tương lai của dân tộc.

Để rồi ba mươi năm sau, trở lại phương Đông, trở về đất nước, Người truyền nguồn năng lượng, ánh sáng trí tuệ ấy cho cả dân tộc, thổi bùng lên thành cuộc cách mạng tháng Tám, dành độc lập dân tộc, đem lại tự do cho nhân dân, chấm dứt trăm năm nô lệ tăm tối. Hành trình Hồ Chí Minh kết nối quá khứ, hiện tại và xuyên suốt tương lai, thể hiện ý chí và khát vọng, vươn tới Tương lai, Ánh sáng và Chân lý không bao giờ ngưng nghỉ của dân tộc Việt Nam.

Thành quả cách mạng, ánh sáng chân lý không tự dưng đến mà phải qua quá trình đấu tranh, vận động, bằng ý chí, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của mỗi cá nhân và cả một dân tộc. Tinh thần hành trình Hồ Chí Minh thấm đẫm, thôi thúc mỗi người dân Việt Nam, nhất là lớp lớp tuổi trẻ dấn thân, tự tin khởi nghiệp, hội nhập thế giới, bồi bổ thêm giá trị Việt Nam./

Uông Ngọc Dậu/VOV1

https://vov.vn

 

Báo VOV

Mới nhất

Thời gian gần đây, nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc ở cơ sở đang góp sức phục vụ cộng đồng trên khắp mọi miền đất nước. Điều đó cho thấy văn hóa đọc đã, đang được cộng đồng chung tay góp sức xây dựng và ngày càng phát triển.

Ngày 04/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tới dự, trao giải thưởng cho các tập thể và cá nhân đạt giải.

Từ ngày 22/4 đến 26/4/2024, tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.

Xem nhiều nhất

Trong năm học 2019-2020, theo chỉ đạo của các cấp, các trường trên địa bàn tỉnh BRVT nói chung và huyện Long Điền nói riêng.

Dương Thụy tên thật là Dương Thụy Phương Khanh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học, có năng khiếu viết văn và sở thích viết văn nên Dương Thụy đã đến với đọc giả lứa tuổi thanh thiếu nên qua truyện ngắn "Búp bê băng giá" khi tác giả còn là học sinh lớp 10 trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh).

Về thời gian và con tàu đưa Bác Hồ ra đi tìm con đường cứu nước