Về thời gian và con tàu đưa Bác Hồ ra đi tìm con đường cứu nước

  • 11/06/2019
  • 483
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Xin giới thiệu tới độc giả những trang tài liệu gốc, được hình thành trong quá trình hoạt động của Phủ Thống đốc Nam Kỳ (1858-1945), hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, góp phần làm rõ thêm thông tin về thời gian, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước.

Sự kiện ngày 5/6/1911, người thanh niên Văn Ba-Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc từ Thương cảng Sài Gòn trên con tàu của Pháp để sang phương Tây tìm kiếm con đường mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không còn là một sự kiện lịch sử xa lạ đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới. Amiral Latouche Tréville chính là con tàu huyền thoại đã đưa người thanh niên yêu nước Văn Ba rời cảng Sài Gòn trong hành trình tìm con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

Về thời gian của sự kiện

Các tài liệu, sử sách trong nước và nước ngoài đều nhất trí chép rằng ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó lấy tên là Văn Ba, đã xin lên tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp, khởi đầu hành trình bôn ba 30 năm đi tìm đường cứu nước của Người. Chúng tôi xin nêu một số bài viết trên các trang mạng tiêu biểu liên quan đến sự kiện này như sau:

Trong bài Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ1, do tác giả Huyền Trang tổng hợp, trang website Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“[…] ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville từ cảng Sài Gòn, tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt phi thường.”

Trong bài Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước2, đăng trên trang website Sài Gòn Giải phóng online đã cung cấp thông tin cụ thể:

Trưa 2/ 6/1911, chiếc tàu Amiral Latouche Tréville của hãng Năm Sao từ Hải Phòng cập cảng Sài Gòn. Bác xuống tàu và gặp viên thuyền trưởng. Nhìn thân hình mảnh khảnh của Bác, thuyền trưởng hỏi: 

- Anh có thể làm được việc gì? 

- Tôi có thể làm bất cứ công việc gì- Bác đáp với lòng tự tin. 

Nhìn thấy nét cương nghị và thông minh của Bác, viên thuyền trưởng mỉm cười (sau này biết tên ông ta là Lui E-du-a Mai-sen, quê ở miền Bắc nước Pháp): 

- Được, tôi đồng ý nhận anh làm phụ bếp, sáng mai anh xuống đây nhận việc. Anh tên là gì? 

Lúng túng một chút, Bác đáp: 

- Văn Ba!

Trên tàu khi đó đã có một thủy thủ làm việc từ trước có tên là Nguyễn Văn Ba.

Ngày 3/6/1911, Bác chính thức xuống tàu làm phụ bếp. Đây là một trong những tàu lớn hồi đó vừa chở hàng, vừa chở khách. Theo hồ sơ còn lưu ở Bảo tàng hàng hải bên Pháp, tàu dài 124,1m, rộng 15,2m, chạy máy hơi nước, 2.800 mã lực, với tốc độ 13 hải lý/giờ, trọng tải 5.572 tấn và có đủ nhiên liệu để chạy một mạch 12.000 hải lý. Trong hồ sơ lưu còn có sổ lương và sổ thủy thủ. Lương tháng 6/1911 của Bác là 50 phơ-răng Pháp, trong khi những người bồi Pháp làm việc rất nhàn nhã lãnh lương gấp 3 lần lương của Bác. 

Trưa 5/6/1911, con tàu Amiral Latouche Tréville đã rời bến sông Sài Gòn với 72 thủy thủ trên tàu. Sài Gòn hôm đó đã thay mặt đất nước tiễn Bác. Trong chuyến hành trình đầu tiên đó, Bác đến Singapore, Cô-lôm-bô, Po Xa-ít, rồi Đa-răng, Mác-xây và ngày 15/7, Bác đến Lơ Ha-vrơ, cảng chính ở miền Bắc nước Pháp.” 

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã căn cứ “Theo tài liệu ghi lại rõ ràng: Tàu Amiral Latouche Tréville từ Hải Phòng vào cập bến Sài Gòn ngày 2/6/1911 có trọng tải 3.572 tấn, với thuyền trưởng Maisen và đoàn thuỷ thủ 69 người. Ngày 3/6/1911, anh Văn Ba xuống tàu làm phụ bếp, ngày 5/6/1911 tàu nhổ neo.”3

          Những tài liệu gốc liên quan đến sự kiện

          Chúng tôi xin giới thiệu những trang tài liệu gốc, được hình thành trong quá trình hoạt động của Phủ Thống đốc Nam Kỳ (1858-1945), hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, góp phần làm rõ thêm thông tin về thời gian, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước như sau:

Tên tài liệu: “Tình hình hoạt động hàng ngày của tàu thuyền tại Thương cảng Sài Gòn năm 1911-1912”4

- Số phông: Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ (Gouvernement de la Cochinchine)

- Số hồ sơ: 2837 (IA.5/106)

- Số tờ: 025

- Thời gian của tài liệu: từ ngày 02 đến ngày 06/6/1911

- Hình thức của tài liệu: Bản gốc

- Đặc điểm kỹ thuật chế tác: tài liệu gồm những tờ giấy đôi, được in hai mặt theo mẫu sẵn bằng Pháp ngữ.

- Màu sắc, tình trạng vật lý tài liệu: ố vàng, giòn, rách, chắp vá.

- Dấu tích đặc biệt trên tài liệu: Bìa, phía góc phải có chữ ký tươi (mực màu xanh) của người quản lý cảng; phần nội dung ghi ngày tháng, tên các tàu thuyền cập cảng (viết tay, mực màu đen).

Nội dung trong bảng kê tình hình hoạt động hàng ngày của tàu thuyền tại Thương cảng Sài Gòn ghi rõ:

Ngày 02/6/1911, tàu Amiral Latouche Tréville, quốc tịch Pháp, đến từ Hải Phòng và cập cảng Sài Gòn. Trên tàu có Thuyền trưởng Maisen và đoàn thủy thủ gồm 69 người, với trọng tải của tàu là 3.572.

Ngày 03/6/1911, tàu Amiral Latouche Tréville neo đậu trên cảng để bốc dỡ hàng hóa.

Ngày 05/6/1911, tàu Amiral Latouche Tréville nhổ neo rời cảng Sài Gòn, tiếp tục cuộc hành trình trở về Marseille.

 

  
  

Bảng kê tình hình hoạt động hàng ngày của tàu thuyền tại Thương cảng Sài Gòn

Như vậy, thông tin được ghi lại trên tài liệu lưu trữ của Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ đã góp phần làm rõ thêm sự kiện ghi dấu ấn đầu tiên trong hành trình đi tìm con đường cứu nước của Người. Nơi đây, con tàu Amiral Latouche Tréville huyền thoại đã lãnh sứ mệnh đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước, mở đầu cho cuộc hành trình vĩ đại, vô cùng gian lao trong suốt 30 năm bôn ba để tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Thị Thiêm – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

https://luutru.gov.vn

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Chú thích:

1.  Huyền Trang (tổng hợp), Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ, trang website Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh,  http://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/3736-hanh-trinh-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc-cua-bac-ho.html

2.  Ký của Trình Quang Phú ,Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước , trang website Sài Gòn Giải phóng online, http://www.sggp.org.vn/tu-sai-gon-bac-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc-236074.html

 3. Nguyễn Đình Đầu, Tìm lại cầu tàu nơi Bác Hồ rời cảng Sài Gòn, trang website Lao Động, http://laodong.com.vn/chinh-tri/tim-lai-cau-tau-noi-bac-ho-roi-cang-sai-gon-4917.bld

 4. États  journalies des mouvements du Port de commerce de Saigon années 1911-1912, hồ sơ IA.5/106, Phòng Phủ Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.

5. Vì hồ sơ chưa hoàn thiện đánh số tờ, nên ở đây, chúng tôi tạm dung khái niệm thứ tự tờ 1 và tờ 2 đối với tài liệu mà chúng tôi đưa ra.

Mới nhất

Từ ngày 22/4 đến 26/4/2024, tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.

Là những người trẻ coi trọng việc đọc sách, Trương Khánh Linh (sinh năm 2000) và Trần Đức Nhân (sinh năm 1989) đang ra sức lan tỏa thói quen đọc sách đến với cộng đồng, nhất là giới trẻ

Sáng 22/02, tại Văn Miếu Trấn Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ (Liên hiệp) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động nhiệm kỳ 2023-2025.

Xem nhiều nhất

Trong năm học 2019-2020, theo chỉ đạo của các cấp, các trường trên địa bàn tỉnh BRVT nói chung và huyện Long Điền nói riêng.

Về thời gian và con tàu đưa Bác Hồ ra đi tìm con đường cứu nước

Dương Thụy tên thật là Dương Thụy Phương Khanh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học, có năng khiếu viết văn và sở thích viết văn nên Dương Thụy đã đến với đọc giả lứa tuổi thanh thiếu nên qua truyện ngắn "Búp bê băng giá" khi tác giả còn là học sinh lớp 10 trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh).